Trong giai đoạn đầu năm 2018 thì hàng loạt các đoàn kiểm tra
liên ngành ở Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện ra tổng số 98 cơ sở nước uống đóng
bình vi phạm về chất lượng nước trong đó xử phạt hành chính 72 cơ sở với tổng số
tiền 226 triệu đồng.
Tại hội thảo “Quản lý an toàn
thực phẩm nước uống đóng bình trên địa bàn Hà Nội”,
theo báo cáo
của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện toàn thành phố có 580 cơ sở nước
uống đóng bình và nước đá dùng liền được quản lý và cấp phép hoạt động. Từ
đầu năm 2018 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) của
thành phố đã thanh tra, kiểm tra 416 cơ sở. Qua đó, có 98 cơ sở vi phạm, trong
đó xử phạt hành chính 72 cơ sở với số tiền hơn 226 triệu đồng và 7 cơ sở bị
dừng hoạt động.
Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm:
Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không bảo đảm
an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định;
người lao động không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn…
Bên cạnh đó, trong 8 tháng của
năm 2018, phòng Công tác thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã
tiếp nhận và giải quyết 3 vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất nước uống
đóng chai, nước đá dùng liền. Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục
trưởng Chi cục ATVSTP TP.Hà Nội, công tác thanh, kiểm tra có nhiều khó khăn do
nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện. Có tình
trạng nhiều cơ sở trong quá trình sản xuất thử không có báo cáo cơ quan quản
lý, nhiều cơ sở sản xuất có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định nhưng khâu rửa
vỏ bình tái sử dụng lại không sạch, dẫn tới nước dễ bị nhiễm khuẩn.\
Chi cục ATVSTP Hà Nội kiểm tra 1 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở quận Long Biên. Ảnh: An ninh Thủ đô
Cùng ý kiến trên phó Chánh
Thanh tra Bộ Y tế ông Nguyễn Văn Nhiên đã đánh giá và quản lý nước uống đóng
chai đóng bình nhìn thì dễ nhưng trên thực tế thì lại cực kì khó khăn do còn
một số vấn đề cơ sở quy mô nhỏ nên khó có thể đảm nhiệm được cơ sở vật chất.
Cũng tại Hội thảo, Trưởng phòng
Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung cho biết, trên địa bàn có 15 cơ sở
sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình, chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ. Theo
ông Trung, một thực tế đang diễn ra hiện nay là nhiều cơ quan, đơn vị, trường
học... lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình chủ yếu vì giá thành sản phẩm.
Do đó, các cơ sở sản xuất buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành.
Trước tiên là việc sử dụng nước
giếng khoan thay cho sử dụng nước máy, hệ thống xử lý nước thô sơ, công
nghệ súc rửa bình đơn giản không đảm bảo vệ sinh; ngoài ra còn
nhiều bất cập do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thủ công rất khó
bảo đảm các điều kiện về ATTP.
Không những thế, nhiều chủ cơ
sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo ATTP vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với
sức khỏe người tiêu dùng; Không đảm bảo về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường
(diện tích chật hẹp, sử dụng chung với sinh hoạt gia đình); một bộ phận người
tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình; chính quyền cơ
sở chưa quyết liệt xử lý vi phạm...
Trước thực trạng trên, Phó Giám
đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đề nghị, thời gian tới ngành y tế,
quận/huyện/thị xã phải tiếp tục rà soát, kiên quyết yêu cầu đóng cửa các cơ sở
sản xuất không đủ điều kiện hoặc sản xuất chui; tăng cường công tác hậu kiểm,
kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng bình trên địa
bàn, xử lý nghiêm vi phạm và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện
thông tin đại chúng. Cùng đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền,
phổ biến kiến thức ATTP cho người dân, người sản xuất, chủ doanh
nghiệp trong lĩnh vực này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét