Đột xuất kiểm tra, công khai cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm để cảnh báo người tiêu dùng


Bên cạnh việc thanh kiểm tra định kì thì các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở. Đồng thời công khai các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.

Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay trên cả nước có tới 20% số cơ sở bị kiểm tra phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 35 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 tới đây cả nước đã tiến hành thanh tra và kiểm tra được 351.128 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát hiện 68,362 cơ sở vi phạm ATTP chiếm 19,47%. Trong đó, cơ quan chức năng cũng phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.



Hà Nội là một trong những nơi có tỷ lệ xử phạt vi phạm về ATTP cao trên toàn quốc. Ảnh minh họa

Với hơn 10 triệu dân sinh sống trên địa bàn Hà Nội thì số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn là rất lớn. Chính vì vậy mà để đáp ứng được những nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân dù đã có nhiều biện pháp tuy nhiên thực trạng vi phạm ATTP vẫn còn phổ biến.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức 778 đoàn thanh tra, kiểm tra 70.258 lượt cơ sở, đã xử phạt vi phạm hành chính 4.801 cơ sở với hơn 17,3 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của hàng trăm cơ sở. Trong số các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng phát hiện khá nhiều trường hợp gian lận thương mại hoặc mua bán hàng thực phẩm quá "đát", không có nguồn gốc xuất xứ, nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái…

Không chỉ có người tiêu dùng mà nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý về ATTP cũng đau đầu về tình trạng mất vệ sinh an toàn như hiện nay nhất là trên các thành phố lớn.

Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở và thanh tra các Chi cục của Sở NN&PTNT thành phố đã xử phạt hàng trăm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP với số tiền phạt hơn 600 triệu đồng. Trong đó, phát hiện khá nhiều trường hợp gian lận thương mại hoặc mua bán hàng thực phẩm quá “đát”, không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn tịch thu, tiêu hủy nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái… Dù vậy, số bị xử phạt mới chỉ là “phần nổi”, số cơ sở có vi phạm trong thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, Hà Nội là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ xử phạt vi phạm về ATTP cao trên toàn quốc. Năm 2017, Hà Nội là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ thanh tra, kiểm tra ATTP cũng như xử phạt vi phạm về ATTP với tổng số tiền xử phạt lên tới trên 38 tỷ đồng. Chỉ trong 6  tháng đầu năm 2018 này, Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm về ATTP trên 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần phải đẩy mạnh hơn nữa để tạm niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất.

Thời gian tới, cơ quan chức năng ngoài việc thực hiện kiểm tra theo định kỳ sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện những cơ sở có dấu hiệu phản ánh, hoặc chỉ đạo của cấp trên. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ truy xuất và công khai các cơ sở vi phạm quy định ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng.
Share on Google Plus

About kna cert

0 nhận xét:

Đăng nhận xét